Category Archives: Nên hay không?

Có nên làm việc tại nhà, quán café thay vì đến công sở?

Hiện nay với tình hình kinh tế khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp phải giải thể, hoặc cơ cấu lại bộ máy nhân sự, cơ cấu lại cách thức làm việc nhằm hạn chế tối đa những chi phí phát sinh không cần thiết. Trong đó hình thức cộng tác, trả lương theo năng lực đang dần trở nên phổ biến. Về phía doanh nghiệp họ không phải nuôi một bộ máy nhân sự cồng kềnh, về phía người lao động họ không cần phải tốn thời gian đến công ty, thu nhập không hạn chế, có thể làm nhiều chỗ khác nhau. Mới nghe qua thì có vẻ hấp dẫn, nhưng liệu hình thức làm việc này có thực sự hiệu quả?

Xu hướng làm việc mới

Đối với lực lượng lao động bằng chất xám, thì chỉ cần một chiếc máy tính kết nối Internet là họ có thể làm việc bất cứ nơi đâu để tạo ra sản phẩm, có thể trao đổi công việc mọi lúc mọi nơi mà không cần đến công ty. Chính vì vậy hiện nay rất nhiều người đã chọn cách làm việc tại nhà, hoặc “ngồi đồng” tại các quán café.

 

Đây thật sự là một hình thức làm việc tuyệt vời cho những ai không thích sự gò bó, không thích ngày nào cũng phải ngồi đủ 8 tiếng nơi công sở. Họ có thể làm nhiều việc khác nhau cùng một lúc mà không bị quản lý nhắc nhở, họ có thể kiếm nhiều tiền hơn do cộng tác với nhiều công ty khác nhau. Họ có thể vừa làm việc vừa xem phim, nghe nhạc, vừa thưởng thức café, vừa chơi game, vừa chát chít với bạn bè…đó là lý do khiến xu hướng này ngày càng phát triển.

Tuy nhiên có một thật tế là rất nhiều người khi đã vào quán café thì công việc là chuyện nhỏ, giải trí mới là chuyện lớn. Có thể mục đích ban đầu của họ là công việc, nhưng chính môi trường café đã đẩy họ rời xa mục đích ban đầu, đây thực sự là điều đáng lo ngại cho một bộ phận không nhỏ làm việc theo hình thức này.

Chính vì không có người quản lý, không phải chịu sức ép lớn từ công việc, nên họ dần trở nên “lười biếng”, gặp một chút trục trặc, gặp một chút rắc rối về ý tưởng thì họ lại tìm cách thư giản thay vì phải đầu tư suy nghĩ như ngồi làm việc tại văn phòng. Kết quả của một ngày ăn mặc đẹp, xách ba lô cặp táp ra ngoài làm việc có thể chỉ là con số 0, và khoảng tiền phải trả cho café.

Doanh nghiệp bị động

Không trả lương cho người lao động mà chỉ mua những sản phẩm cụ thể do họ làm ra, đó thật sự là quyết định thông minh của doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng có nhiều chuyện rắc rối phát sinh mà đôi khi chính doanh nghiệp là người chịu thiệt, còn người lao động mặc dù không được nhưng cũng chẳng mất gì. Đó là những rủi ro doanh nghiệp có thể gặp phải khi sử dụng nguồn lao động kiểu này.

Do chỉ là mối quan hệ cộng sinh đôi bên cùng có lợi, không có sự ràng buộc. Nên doanh nghiệp không thể bắt buộc nhân viên có mặt ở công ty 8 tiếng trên ngày, không thể bắt buộc nhân viên phải hoàn thành cho kịp tiến độ, hơn nữa lực lượng lao động này có thể nghỉ bất kỳ lúc nào, vừa tốn công sức đào tạo nhưng chưa chắc đã mang lại hiệu quả thiết thực như doanh nghiệp mong muốn.

Hao mòn chất xám

Nếu thật sự ngồi ở nhà có thể làm tốt công việc, nếu như ngồi quán café có thể kiếm được nhiều tiền thì chẳng ai dại gì phải đến công ty. Quán café có thể là nơi hội họp, có thể là nơi gặp gỡ trao đổi công việc, có thể là nơi thư giản để tìm những ý tưởng hay cho công việc. Nhưng nó không thể trở thành nơi làm việc, đó là một thực tế.

Người ngồi ở quán café đa phần là nhận được những giá trị ảo, họ cứ cho rằng mình đang làm việc, họ cứ tưởng ăn ngon mặc đẹp ôm laptop ngồi quán café là thành đạt, những ai đã từng trải qua quá trình đó khi nhìn lại chắc chắn sẽ nhận ra rằng đó đơn giản chỉ là quá trình…thất nghiệp không hơn không kém.

Có mấy ai ngồi đủ 8 tiếng ở nhà để chú tâm vào công việc, nếu có thì được mấy ngày. Có mấy người ngồi làm việc nghiêm túc tại quán café, và nếu có thì làm được bao lâu. Nói lên điều đó để thấy được rằng chính môi trường là yếu tố cực kỳ quan trọng để mang lại hiệu quả công việc, một môi trường công sở sẽ thích hợp với công việc hơn là quán café đó là điều tất yếu.

Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là ai làm việc tại nhà hoặc quán café đều không tạo ra năng suất, và ngược lại không phải ai hằng ngày xách cặp tới công ty cũng mang lại hiệu quả tối ưu cho công việc, điều đó tùy thuộc và ý chí và cách làm việc của mỗi người. Nhưng về lâu dài thì bạn không thể nào suốt ngày ngồi ở nhà hoặc quán café để làm việc, chính điều đó sẽ khiến bạn ngày trở nên xa rời công việc. Ông bà ta có câu “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”, một môi trường làm việc chuyên nghiệp năng động sẽ giúp bạn ngày một chuyên nghiệp hơn, ngược lại một môi trường mang đậm tính sinh hoạt, tính giải trí sẽ khiến con người ngày càng trở nên “nghiệp dư” trong công việc. Do đó đây không thể là xu hướng làm việc tuyệt vời cho tương lai như nhiều người mong đợi.

Lê quyết Kiển - CareerLink.vn

Luân phiên trong công việc: Nên hay không?

Tư duy sáng tạo và niềm hứng khởi là điều cần thiết để có thể mang lại hiệu quả cho công việc. Tuy nhiên, phải đối mặt với những việc lặp lại mỗi ngày sẽ làm cho điều này bị “bào mòn” dần. Trong điều kiện này, luân phiên trong công việc có thể là một giải pháp được cân nhắc. Luân phiên trong công việc là cụm từ có nghĩa rộng, nhưng trong phạm vi bài viết, luân phiên trong công việc có thể được hiểu là chính sách hoán đổi, luân chuyển nhân sự được áp dụng trong công việc. Nhân sự sẽ được hoán đổi giữa các phòng ban trong cùng một công ty, giữa các công ty thành viên, hoặc thậm chí là giữa các quốc gia với nhau.

Nên?

Rõ ràng là lợi ích dễ nhận thấy nhất là việc luân chuyển sẽ giúp cho công ty cũng như bản thân nhân viên nhận biết được khả năng lớn nhất của mình là ở lĩnh vực nào. Có đôi khi phải trải qua những cọ xát thực tế trong quá trình làm việc người ta mới biết được những khả năng “tiềm ẩn” của mình. Một nhân viên marketing trong quá trình luân chuyển lại nhận thấy mình cực kì “có duyên” với việc bán hàng và mang lại không ít hợp đồng giá trị cho công ty là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Thực tế vì lợi ích này, một số công ty đã áp dụng chính sách này cho nhân viên của mình, đặc biệt là những nhân viên mới, những người còn chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa hoàn toàn biết được hết khả năng của mình.

Không chỉ có lợi cho các nhân viên mới, đây cũng sẽ là một chính sách hữu ích nếu các công ty muốn tìm lại niềm hứng thú, tạo cơ hội cho nhân viên của mình ‘refresh” bản thân sau một khoảng thời gian quá dài gắn bó với những công việc lặp đi lặp lại. Hơn nữa, việc luân chuyển sẽ giúp các bộ phận cảm nhận đầy đủ hơn những khó khăn của nhau, đôi khi chỉ có trải nghiệm họ mới hiểu chính xác những gì đồng nghiệp của mình trải qua thay vì ngồi một chỗ “phán xét”. Luân phiên trong công việc còn giúp nâng cao tinh thần đoàn kết và gắn bó trong nội bộ. Làm việc chung sẽ cho các nhân viên cơ hội hiểu nhau hơn trong khi thường ngày họ thậm chí không có cơ hội chào nhau.

Không nên?

Rõ ràng là việc luân chuyển sẽ đem lại rất nhiều lợi ích nếu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, nó cũng sẽ mất rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp trong chính sách xoay vòng này. Mà thời đại này, thời gian chính là tiền bạc, là doanh thu và là lợi nhuận. Hơn thế nữa, chi phí đào tạo và vô số những khoản “chi phí cơ hội” khác là không hề nhỏ. Một tác hại khác cũng dễ thấy là hiệu quả của công việc sẽ không cao trong giai đoạn đầu. Nhân viên sẽ phải mất thêm một khoản thời gian để “học việc” lại từ đầu, và nếu không cẩn thận, việc thiếu các kĩ năng có thể ảnh hưởng đến toàn công ty. Bên cạnh đó, có cơ hội làm việc cùng nhau giúp xây dựng đoàn kết nội bộ thì cũng hoàn toàn có thể gây chia rẽ nội bộ, bất đồng cũng sẽ vì thế mà lan rộng hơn.

 

Đặt lên bàn cân

Bất cứ một chính sách nào cũng sẽ có hai mặt, không phải hoàn toàn có lợi và cũng không hoàn toàn không tác dụng. Cũng như khi kinh doanh một sản phẩm luôn cần cân nhắc giữa “chi phí” và “lợi nhuận”, ở đây chính sách sẽ phát huy tác dụng, tuy nhiên cần cân nhắc xem lợi ích ấy như thế nào so với khoản chi phí bỏ ra. Hãy đặt chúng lên bàn cân để có một quyết định chính xác nhất. Bởi vì một chính sách là có lợi trong trường hợp này, tại thời điểm này hoàn toàn có thể gây tác động ngược tại một thời điểm khác!

Lê Hoài Phương - CareerLink.vn

Nhảy việc: nên hay không nên?

Ngày nay nhân viên nhảy việc đã không còn là hiện tượng lạ nữa. Nhiều người có thể nhảy việc trên chục lần vì nhiều lý do khác nhau: vì cơ hội làm việc tốt hơn, vì không hợp với sếp, vì mức lương của công ty sau quá hấp dẫn… Đây là thời đại không còn tồn tại những người suốt đời gắn bó với một công ty duy nhất như ông bà hay cha mẹ chúng ta. Thế nhưng, người tìm việc được và mất gì khi nhảy việc?

Hãy cân nhắc các ưu thế và bất lợi khi bạn nhảy việc:

Ưu thế của người “nhảy việc”

1. Được đánh giá là ứng viên có nhiều kinh nghiệm:
Các ứng viên có kinh nghiệm làm việc ở đôi ba chỗ có thể được nhà tuyển dụng đánh giá là có nhiều kinh nghiệm và có khả năng thích nghi với nhiều môi trường làm việc khác nhau. Nếu trình bày một loạt công việc mà bạn đã từng phụ trách ở nhiều công ty khác nhau, bạn sẽ trở nên “nặng ký” hơn so với các đối thủ khác chỉ làm việc cho một công ty. So với họ, bạn có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều ngành nghề khác nhau và được hưởng nhiều chương trình đào tạo.

2. Đạt được thành tích ở nhiều lĩnh vực:
Nếu biết cách làm nổi bật các thành tích bạn đã đạt được ở mỗi công ty trước đây, bạn sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng rằng bạn là người phù hợp với vị trí ứng tuyển. Vì vậy, nếu bạn là người hay “nhảy việc”, hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn đã giúp cho các công ty trước đạt được những thành quả đáng chú ý nào. Việc trình bày những đóng góp của bạn cho các công ty trước sẽ nâng cao giá trị của bạn trong mắt nhà tuyển dụng.

3. Được đánh giá là người có tinh thần cầu tiến:
Nhiều nhà tuyển dụng hiểu và chấp nhận quan điểm thay đổi công việc là một cách để người tìm việc học hỏi kiến thức và kinh nghiệm mới để thăng tiến nhanh trên con đường sự nghiệp. Nói chung, với quan điểm tích cực, nhà tuyển dụng đánh giá người thay đổi công việc là người có tinh thần cầu tiến vì họ không thể ở lại một công ty không cho họ cơ hội phát triển sự nghiệp.

Lưu ý:
- Đừng liệt kê tên các công ty bạn đã từng làm mà ở đó bạn không đạt được thành tích nào nổi bật.
- Chứng minh các kinh nghiệm trước đây của bạn có thể giúp ích cho công việc mà bạn đang ứng tuyển.

Bất lợi của người nhảy việc

Bản thân nhảy việc không gây hậu quả tiêu cực nếu bạn không ghi trong hồ sơ 1 năm nhảy việc 5-6 lần. Vì nhảy việc với tốc độ “chóng mặt” như thế, bạn sẽ bị cho là:

1. Kẻ “đứng núi này trông núi nọ”:
Nhiều người tìm việc không biết một thực tế là các nhà tuyển dụng rất “kỵ” những người có thành tích nhảy việc đến 4-5 công ty trong 1 năm. Những người hay đổi việc này bị cho là dễ chấp nhận một công việc và cũng dễ dàng từ bỏ nó khi có cơ hội tốt hơn. Nói cách khác, họ là những người không trung thành và không đáng tin cậy.

2. “Có vấn đề” về chuyên môn hay tính cách:
Nhà tuyển dụng sẽ đặt dấu chấm hỏi đối với các ứng viên nhảy việc quá thường xuyên “Ứng viên này có khả năng làm việc tốt không? Có phải vì nghiệp vụ của họ có vấn đề khiến cho các công ty trước đây không chấp nhận họ? Họ có tính cách gì khiến công ty cũ không dung nạp được?”

3. Khó hòa đồng với đồng nghiệp, với môi trường xung quanh:
Một danh sách liệt kê hàng loạt các vị trí bạn đã nắm giữ có thể khiến cho nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn khó hòa đồng với đồng nghiệp, với môi trường xung quanh. Hễ không hợp với anh A/cô B nào đó trong công ty là bạn nghỉ ngang xương. Vì vậy, hãy nêu trong hồ sơ rằng bạn đã từng làm việc cho mỗi công ty trong một thời gian khá dài, tối thiểu cũng phải 2, 3 năm.

Có nên bỏ việc Nhà nước ra ngoài làm?

Mình 27 tuổi, đi làm được 4 năm, công việc văn thư trong trường học nên cũng không có gì nặng nhọc nhưng về tinh thần luôn bị ức chế. Mình làm cách nhà 5 km, sáng đi tối về, nếu chỉ có áp lực tinh thần về công việc có lẽ mình chịu đựng được nhưng hơn một năm trở lại đây bố mẹ xảy ra chuyện, thường cãi vã, gần năm nay không ai nói với nhau câu nào. Mình cũng đã nói chuyện với bố mẹ rất nhiều nhưng ai cũng coi cái tôi là trên hết.

Cuộc sống rất ngột ngạt, nhiều khi mình chỉ muốn bỏ nhà ra đi, đang định bỏ công việc ở nhà nước để lên thành phố xin việc vì không muốn sống như thế này mãi. Mình chưa có gia đình, không vướng bận gì cả, hơn nữa cuộc sống giờ vô cùng ngột ngạt nhưng mình không biết phải bắt đầu từ đâu, liệu ở tuổi này giờ bắt đầu lại có muộn không?

Liệu mình có thích ứng được với cuộc sống bên ngoài không? Quyết định này có phải sai lầm vì giờ mà bỏ việc mình phải tự làm lại từ đầu? Nhưng không đi mình không thể nào chịu đựng nổi cuộc sống như hiện tại. Mình đang rất phân vân không biết nên làm như thế nào nữa.

Quyên